CON BỌ RẦY

Con Bọ Rầy

 

 

Về mặt tiểu vũ trụ con bọ rầy là chân thần, còn về mặt đại vũ trụ, nó tượng trưng cho mặt trời, vị Thái Dương Thượng Đế.

Chân thần bắt đầu sự hiện hữu của mình như là mầm chứa đựng năng lực thiêng liêng, bất động trong biển không gian trinh nguyên, cái mầm ấy ẩn trong trứng được lớp bùn đất là vật chất bao quanh, cách biệt và khác với vật chất nguyên mẫu mulaprakriti. Cái trứng tự nó cũng là kết hợp âm dương từ cha mẹ. Cái mầm trưởng thành, hay theo sự tiến hóa, ấu trùng trở thành bọ rầy có cánh, vỏ cứng, chân cong và biết bay. Bọ như đã nói là chân thần, đôi cánh là Buddhi-Manas (Minh Triết-Trí Tuệ), lớp vỏ cứng là Căn Thể (Causal Body, là cái chất chứa gìn giữ kinh nghiệm từ bao đời, và bảo vệ bọ rầy); 4 chân là bốn hạ thể (xác, sinh lực, tình cảm, trí) để nhờ vào đó chân thần sinh hoạt ở cõi thấp, còn đôi cánh cho phép nó bay, hay khả năng siêu nhiên.

Con bọ rầy tuân theo chu kỳ sống của nó và đẻ trứng, vùi vào đất bùn đặt ở nơi có nắng. Trứng sẽ nở ra ấu trùng ăn lớp bùn đó, biến thái thành bọ rầy. Sự sống như vậy được tái sinh nhờ vào ánh nắng mặt trời. Cũng theo ý tưởng đó, chân thần lập lại theo chu kỳ, tuôn năng lực sáng tạo của nó vào các hạt nguyên tử trường tồn (permanent atom) ở cõi trí, tình cảm, hồng trần. Chúng được bao phủ bằng chất liệu thuộc các nơi ấy, tương ứng với lớp bùn bao trứng bọ rầy. Đây là điểm tương đồng lý thú, vì các thể khi mới tạo dù ở cảnh giới nào đều có hình cầu, hoặc là các tế bào đầu tiên của phôi, hay sự tụ tập vật chất tình cảm, và trí quanh hạt nguyên tử ở hai cõi này. Sinh lực mặt trời ở các cõi, tức prana, sau đó mới làm cho khối cầu xếp đặt thành thể cho chân thần xử dụng, điều này lại cũng được lập lại qua những giai đọạn nối tiếp nhau, thành chuyện tái sinh.

Mỗi thể từ phôi thai nở ra thành vận cụ cho bọ rầy di chuyển rồi bay. Hạt nguyên tử trường tồn không phải là trứng theo nghĩa các thể sinh ra từ đó, nhưng nó chứa đựng và phát ra lực cùng đặc tính tạo ra các thể, và nếu không có nguyên tử trường tồn, các thể con người không sao tạo được. Theo nghĩa ấy, hạt nguyên tử trường tồn được coi là hạt mầm hay là trứng. Xa hơn nữa, bọ rầy có thói quen nhồi, lăn bùn. Diễn biến này chỉ cho thấy năng lực chân thần giữ cho chu kỳ sinh tử được tiếp tục, vì chân thần là nguồn làm con người hiện hữu, khiến cho họ có khả năng và thúc đẩy họ hành động, đi từ việc tiến bước bình thường (như bọ rầy bò) và sau đó do chính chọn lựa của mình đi vào đường đạọ, như bọ rầy tung cánh vút bay.

Mọi điều đều từ chân thần mà ra, mọi việc cốt tủy đều được mang lại do năng lực của chân thần, và mọi khả năng đều chứa đựng trong chân thần, và đó là lý do bọ rầy được chọn ở Ai Cập xưa kia làm biểu tượng cho năng lực sáng tạo thiêng liêng, về cả tiểu vũ trụ và đại vũ trụ.

Nói thêm về đôi cánh, đôi cánh chim hoặc dang rộng, hoặc xếp xuôi được thấy dùng nhiều trong bích họạ của đền thờ và hầm mộ Ai Cập xưa. Khi con chim tới lúc biết xòe cánh bay trong không, tự mình thoát khỏi hấp lực của trái đất (hay theo nghĩa bóng là sức lôi cuốn của vật chất), nó chứng tỏ cho thế giới hay là nó đã đạt mục tiêu. Hình ảnh tượng trưng vị đạo gia phát triển được khả năng tâm linh (cánh xòe), bay đến cội nguồn tinh thần là mặt trời. Chim với cánh xếp chỉ giai đoạn trước khi tới mức ấy.

Trích:
Illuminations of the Mystery Tradition.
Sandra Hodson.